Vợ chồng họ bán phở trên hè phố đã được một thời gian khá dài. Giá cả phải chăng cùng với nụ cười chân thành làm cho quán ăn của họ luôn tấp nập khác. Đến quán phở của họ nhiều lần, tôi phát hiện sáng nào cũng có một cụ già ăn mặc rách rưới lặng lẽ đứng chờ ở một góc.

Nhìn thấy bà cụ đến, hai vợ chồng họ vừa bận rộn làm nốt công việc dở, vừa mỉm cười nói với bà cụ:

- Bà chờ cháu một chút nhé, cháu sẽ làm ngay cho bà.

Lát sau, vợ chồng họ nhanh nhẹn bỏ phở vào trong một chiếc hộp giấy, múc nước phở bỏ vào trong túi bóng, buộc lại rồi đưa cho bà cụ. Họ còn không quên nhắc bà cụ cẩn thận kẻo bỏng tay. Bà cụ run rẩy đưa đôi tay gầy guộc ra nhận, sau đó lặng lẽ cảm ơn và quay người đi. Nhưng điều kỳ lạ là, dường như bà cụ chưa lần nào trả tiền.

Một hôm, tôi không kìm nén nổi sự tò mò, đã hỏi vợ chồng họ. Người vợ thở dài nói:

- Bà cụ ấy thật tội nghiệp, khó khăn lắm mới nuôi con cái khôn lớn. Vậy mà đến lúc già lại không có chỗ nương tựa. Gia đình chúng tôi cũng không được dư giả cho lắm, nhưng chỉ cần bà cụ đến chúng tôi luôn đãi cụ một bát phở.

Trên nét mặt người phụ nữ trung niên ấy dường như lộ vẻ áy náy, dường như chị cảm thấy có lỗi khi chỉ giúp đỡ được bà cụ một bát phở.

Tôi để ý và luôn nhận thấy vợ chồng họ đối xử lễ phép và tôn trọng bà cụ giống như những người khách hàng khác, không hề tỏ ra một chút coi thường hay ban ơn.

Sau đó, tren phố xuất hiện khá nhiều quán phở, nhưng tôi chỉ thích đến quán phở của họ. Không vì cái gì cả, tôi chỉ muốn ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ, trong âm thanh náo nhiệt của đường phố, lặng lẽ nhìn hai vợ chồng họ - những người thuộc tầng lớp nghèo túng của xã hội - chìa đôi bàn tay thô ráp, tặng cho một bà cụ còn nghèo túng hơn mình cả một tấm lòng yêu thương và nhân ái.

---

Bố thí cho người khác, có lẽ rất nhiều người dễ dàng làm được, Nhưng bố thí cho người khác với thái độ chân thành và nhân ái, thì không phải ai cũng có thể làm được điều này.