Thời gian thật kì diệu và cũng thật khắc nghiệt khi nó cứ mãi chảy trôi mà chẳng đợi chờ một ai, nó công bằng với tất cả chúng ta. Thời gian có thể xóa nhòa đi những nỗi đau, làm lành những vết thương, in dấu những kỉ niệm khó quên, cũng có thể làm hằn sâu những kí ức nơi ngóc ngách con tim khiến ta cảm thấy nhói đau mỗi khi có một điều gì đó vô tình chạm vào… Thời gian nhuốm lên tất cả những gì đã qua một màu mang tên “quá khứ”.

Cái thời còn là sinh viên tôi rất thích nghe Radio, một phần để giải trí cho đỡ buồn chán, một phần vì tôi tìm thấy sự đồng điệu của những tâm hồn, tôi thấy mình trong những tâm sự trên Radio. Khi ra trường tôi làm quen với nhiều thứ, công việc bận rộn, bạn bè… dần dà tôi bỏ thói quen nghe đài ngay cả khi có chút rảnh rỗi hiếm hoi. Đêm nay tôi cảm thấy trống trải và cô đơn, tôi chút bỏ hết mệt nhọc lo toan, công việc sang một bên để thư giãn sau một tuần làm việc mệt nhọc. Ngày cuối tuần của một đứa con gái 25 tuổi như tôi nghĩ cũng thật buồn, trong khi bạn bè hối hả đi chơi, tán gẫu, tay trong tay với người yêu, còn tôi…vẫn cô đơn, không phải tôi đòi hỏi cao, khó tính mà có lẽ “duyên” chưa đến. Tôi tự an ủi mình như thế. Tuổi 25 ập lòng như bão, buồn vui lẫn lộn, nhiều lúc thấy chênh vênh, hẫng hụt như người bước hụt chân.  Tuổi thanh xuân như gió hát mùa hè, trôi đi nhanh và cũng nhiều cảm xúc, nằm nghe Radio có bài: “Bạn còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần?” mà thấy lòng xót xa, nhớ bố mẹ, nhớ người thân đến nao lòng. Tự hỏi: “Ừ bao lâu rồi chưa về thăm nhà, bao lâu rồi không được gặp anh, bao lâu rồi không cười đùa trêu chọc đứa em, bao lâu rổi???” Có lẽ rất lâu rồi, cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp nơi phố thị cuốn tôi đi với những bận bụi, với những rong chơi tuổi trẻ mà để con tim quên lối về nhà, chỉ vài ba câu điện hỏi liệu có đủ? Làm sao đủ được vì không có mẹ cha bên cạnh, vì không có được cảm giác sum vầy yêu thương. Tôi nhớ lắm, nhớ cồn cào ruột gan, có lẽ ngày mai tôi sẽ gác lại những bộn bề kia, gạt hết những máy móc vô hồn, vi tính, điện thoại chạy về với gia đình của tôi. Ôi bao thương nhớ, nhớ da diết, tuổi thơ tôi, đất quê tôi, con sông, triền đê, đồng lúa…nơi tôi đã lớn lên.

Tôi sinh ra và lớn lên tại một miền quê nghèo, cái nghèo hiện hữu trên những mái ngói rêu xanh, những ngôi nhà xây bằng gạch bi chát thiếu vôi vữa, xi măng xiêu vẹo bên những lũy tre xanh, hàng râm bụt và cái nghèo hiện lên cả những khuôn mặt khắc khổ, bàn tay chai sạn, đôi chân trần của người dân quê tôi. Cuộc sống của tôi, của gia đình tôi và của người dân quê tôi hôm nay đã đổi thay, không còn cái ngày cả làng chỉ có một cái ti vi đen trắng, tối nào cũng nhộn nhịp người như chảy hội gọi nhau í ới cùng đi xem, không còn những đứa trẻ đen thui chỉ có một chiếc quần đùi áo ngắn để mặc vừa đi học vừa đi làm nữa… Nhưng cái nghèo nó đã bám chặt như cái cây già bám sâu vào lòng đất, như “giang sơn dễ đổi bản tính khó rời” không thể thay đổi được. Dù xã hội nay đã khác rồi, nhưng mỗi thời lại có những khốn khó riêng, người quê tôi vẫn chẳng thể thoát khỏi kiếp nghèo, có chăng may ra là không còn những bữa đói, bữa khát vì người ta đã có thể chạy lo từng bữa ăn mà không bị uổng phí công sức.

ia đình tôi có bốn anh chị em và tôi là con thứ hai. Bố mẹ tôi sau khi lấy nhau được ông bà nội tôi chia cho một mảnh đất nhỏ, đầu tiên là dựng tạm một túp lều sau đó ngày ngày đóng gạch mới xây lên được một ngôi nhà ngói, ngày nắng không sao cứ đến mùa mưa là rộp đủ chỗ, huy động đủ xoong nồi, chậu, ca hứng nước. Ôi sao mà nhớ cái ngày ấy mấy anh em tôi ngồi tho ro bên một góc giường để ngắm mưa trong nhà, hồn nhiên cười đùa chẳng lo nghĩ. Bố mẹ tôi làm không biết bao nhiêu việc để nuôi nấng anh em tôi, có khi đi làm thuê cả tháng mới về để dành dụm tiền cho anh em tôi ăn học. Cái thời cả làng nghèo ăn chẳng đủ no đừng nói chuyện đi học thế mà bố mẹ vẫn nói với anh em tôi dù có cực khổ thế nào cũng sẽ không để anh em tôi phải thất học. Bố bảo: “Đời tao đã chẳng được học hành tử tế thì chúng mày phải gắng bảo nhau mà học để thoát nghèo, không thì chỉ có cả đời theo sau con trâu”. Cả nhà ai cũng cố gắng vì cuộc sống mưu sinh, mỗi người làm mỗi việc. Bố mẹ vắng nhà mấy anh em bảo ban nhau, chúng tôi cũng không lo đói vì hàng ngày mò cua bắt ốc nhiều thì đem bán và giữ lại một ít cho có chất tươi, mùa vụ lại rủ nhau đi mót lúa, đãi sạn cũng có cơm ăn…Cái lúc nghèo một hạt cơm cũng quý nên chẳng chừa hạt nào vì đứa nào cũng hiểu là mồ hôi công sức cực lắm mới có được. Anh tôi học không thích đi học vì nhà nghèo cũng vì anh học không giỏi nên lười chỉ thích đi bơi, đánh dậm, kéo lưới bắt cá, chăn trâu. Còn tôi thì ngược lại tôi thích đi học, thích nghe giảng bài, tôi say sưa những vần thơ lục bát đằm thắm, những câu ca dao ngọt ngào. Có lần mải đọc sách tôi để chào nước cháy cả nồi cơm, anh tôi mắng cả buổi tối: “Có mỗi mấy việc cỏn con mà làm cũng không xong, lúc nào cũng thơ với chả văn, dẹp hết, cho ăn học hết cấp rồi về lấy chồng”
Tôi vênh mặt lên cãi: “Anh đi mà lấy, em không thèm, con gái thì sao, anh đừng có mà cổ hủ”

-         À mày lại còn lên mặt dạy tao, trứng đòi khôn hơn vịt, mày không lấy chồng thì làm vương tướng gì, định làm bà cô mốc trong nhà à?

-         Hứ! anh đừng có mà coi thường nhá, để rồi xem em sẽ cho anh thấy, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, học không bao giờ thừa hết

-         Mày đừng có lí sự, tao thấy mày chẳng làm gì ra hồn cả, nấu có nồi cơm cũng không xong. Chán chết!

-         Đấy là chẳng may nó thế chứ em có muốn thế đâu

-         Thôi tao chẳng nói với mày, mày nói cùn bỏ xừ được ý, đi học mà chẳng khôn được tí nào

-         Anh thì khôn lắm chắc – Tôi lầm bầm

-         Mày lẩm bẩm cái gì đấy?

-         Không…chả nói gì hết

Anh em tôi vẫn thường chí chóe, cãi nhau suốt ngày bé như thế, có cả những trận cãi vã rất lớn mà tất cả là do cái tính trẻ con ngang bướng của tôi. Anh tôi hay mắng và có khi còn đánh tát tôi nhưng anh thương các em lắm.

Người ta bảo ở hiền thì gặp lành, bố mẹ tôi chịu khó, cần cù, thương con nhưng chẳng được vui sướng khi nào, cứ mãi lận đận, long đong. Tôi nhớ vào một mùa gặt, bố vẫn cố đi làm phụ hồ cho người ta để kiếm thêm chút tiền công cao hơn thường ngày, nhưng tai họa ập đến bố tôi bị tai nạn rồi bao nhiêu số tiền dành dụm được không cánh mà bay. Khi ấy mẹ tôi là người cực khổ nhất, lo cho chồng lại chạy vạy lo cho con ăn học, mẹ tôi gầy dộc đi, đường gân xanh kéo dài, đôi mắt trũng sâu, những vết chai sạn nổi lên cứng nhắc. Kể từ đó bố tôi bị thoái hóa đốt sống lưng, không thể làm được việc nặng, trái gió chở trời là cơn đau dữ dội lại hành hạ bố. Bố tôi đi xin việc nhưng họ đều không nhận, đáp lại sự cầu xin của bố là những cái nhìn thương hại nhưng chẳng giúp được gì, cũng chẳng trách họ được vì bố không làm được việc gì nặng ngay cả đánh hồ như trước.

Có một buổi tối bố mẹ gọi mấy anh em đến và bảo một trong số chúng tôi phải nghỉ học. Nghe thấy điều đó chúng tôi không ngạc nhiên chỉ lặng yên cúi đầu, không khí gia đình lúc đó cũng rất ảm đảm, trĩu nặng. Bố nói bố rất thương chúng tôi, muốn lo cho chúng tôi ăn học đến nơi đến chốn nhưng bố đã bất lực không thể làm được điều tốt đẹp cho chúng tôi. Bố còn bảo Cha mẹ sinh ra con cái nhưng con cái không được chọn cha mẹ mình, các con khổ vì cha mẹ nghèo đói. Từng lời bố nói như ngàn mũi kim châm trong lòng tôi, tôi ứa nước mắt, tôi thương bố mẹ, thấu hiểu tấm lòng của bố, tôi chỉ muốn chạy đến ôm bố mà nói rằng: “Không đâu bố, con cảm ơn vì được là con của bố mẹ” nhưng rồi tôi chỉ biết đứng im nức nở. Anh tôi quát: “Mày khóc cái gì mà khóc, không chết đói được đâu”. Rồi anh nói lớn: “Bố mẹ! con sẽ thôi học, bố mẹ hãy để con Phương, thằng Chính và con An đi học, con sẽ đi làm kiếm tiền cho chúng nó học. Bố mẹ yên tâm.”

Năm ấy anh tôi mới 14 và tôi tròn 12.

Sau khi nghỉ học, Anh tôi theo một bác cùng làng vào Gia Lai làm ăn. Ngày anh chuẩn bị đi mẹ đã khóc rất nhiều, bố thì lặng im ngồi thẫn thờ trên ghế, nhìn vào đôi mắt bố tôi như cảm thấy một bong bóng nước đỏ rực căng ra như sắp vỡ mà cố kìm nén lại. Còn thằng Chính và con An đến bên anh thút thít: “Anh Thành ơi! Anh đi bao giờ anh về? từ nay không ai dạy em bơi nữa, không được đi câu ếch đêm, đánh dậm với anh nữa, cả cái súng bắn chim bị hỏng nữa rồi anh ạ”. Anh tôi chẳng quát mắng chúng tôi như hàng ngày nữa, nhìn chúng tôi âu yếm: “Ở nhà phải ngoan, nghe lời bố mẹ nghe chưa! Anh đi Tết anh lại về”. Mẹ gói cho anh một ít cơm nắm và muối vừng vào lá sen để đi đường. Mẹ dặn anh rất nhiều bảo anh chăm chỉ, tu chí làm ăn, giữ gìn sức khỏe, không chịu được  việc cực, vất vả quá thì về nhà làm việc khác. Và anh đi, tạm biệt bố mẹ và chúng tôi khi trời còn toàn một màu đen, miền quê nghèo tiễn anh đi với tiếng gà gáy vang xa. Nhìn theo bóng anh khuất dần trong bóng tối, tôi như cảm nhận anh đang xé màn đêm để bước đi, bước đi về phía ánh sáng, tìm một chân trời mới.

Lại một mùa gặt nữa đến, tháng 10 trời sang thu, gió heo may se lạnh ngấm vào da thịt như thổi vào hồn người những nỗi buồn man mác, buồn lại thêm buồn. Con đường quê hun hút màu rơm mới, lũ trẻ trong xóm chạy lăng xăng chơi trò trốn tìm, phủ đầy rơm lên người để tối về thi nhau gãi ngứa sột soạt. Trăng tháng 10 không sáng như tháng 5 nhưng cũng trong veo không kém, lũ trẻ chúng tôi ngước cổ lên chỉ trỏ kia là chú Cuội, kia là chị Hằng, cây đa, rồi bắt đầu cãi nhau chí chóe về sự tích chú Cuội trên cung trăng, đứa ngây ngô bảo chị Hằng đẻ ra chú Cuội, đứa bảo đấy là hai vợ chồng, đứa đăm chiêu, vẻ mặt cụ non bảo chúng mày nói sai hết, bà tao bảo chú Cuội nói dối bị phạt bay lên Trời…Tuổi thơ thật đẹp và trong sáng, dù đã xa vẫn tươi nguyên màu nỗi nhớ.

Giờ đây khi có cuộc sống tốt hơn, được ăn ngon mặc đẹp, được hưởng thụ nhưng tôi bỗng thấy thèm cái nghèo của những ngày xưa cũ, thèm được đi ăn trực, thèm những lúc đi đào trộm khoai sắn, hái quả nhà người ta bị chó dữ lùa rồi chạy nháo nhào, thèm được lăn lê bò soài trên nền rơm rạ…Những điều giản đơn, rất đỗi bình dị thuở nào nay xa vời quá. Đang lan man với những hồi ức, tôi bắt gặp hình ảnh đứa bé trên lưng trâu đang nghêu ngao hát một bài nhạc trẻ, tôi cười buồn vì đến cả tôi hôm nay cũng quên hết những bài vè, bài đồng dao năm nào lũ trẻ chăn trâu chúng tôi còn hát om sòm. Tôi cũng thấy hình ảnh của những đứa trẻ gầy gộc như que tăm, nhem nhuốc, bé nhỏ giữa bao la đồng ruộng. Một hình ảnh chỉ những vùng nông thôn, những miền quê nghèo mới có, bọn trẻ lớn lên với cuốc, cày và con trâu, con cá, con ốc…chúng không có đèn ông sao, không có cá chép, đèn lồng rực rỡ hay bánh Trung Thu Rằm tháng Tám, niềm vui của chúng giản đơn biết bao nhưng ước mơ và lòng ham học, sự hiếu thảo vô cùng lớn. Những đứa trẻ sinh ra trong cái nghèo, sự khốn khó sớm đã trưởng thành, thấu hiểu và tự giác, ấp ủ những khát vọng đẹp. Nhìn những đứa trẻ ấy tôi thấy mình của quá khứ, một quá khứ nhọc nhằn, nhiều tỉu hổ nhưng nhờ đó tôi đã lớn lên và trưởng thành.



Trong tôi vẫn còn đọng lại những kí ức buồn đến nao lòng, dù thời gian đã làm nó nguôi ngoai, dù mọi thứ đã đi vào dĩ vãng và an yên thì tôi cũng vẫn thấy nhói lòng khi kí ức ùa về. Tôi nhớ những ngày vào mùa, lúa tươi mà chẳng có sân phơi phải đi phơi nhờ nhà ông bà nội. Bố mẹ hì hục bê hết thúng lúa này đến thúng khác, chuẩn bị canh ra phơi, nhưng ông bà lại bắt xúc hết vào để phơi rơm, nếu không sẽ đổ nước cho ướt hết. Thật là xót xa, nó đã dội vào lòng mấy đứa trẻ chúng tôi bao nghẹn đắng, uất ức vì thương bố mẹ. Trái tim con trẻ rất yếu đuối, mong manh, nếu vô tình bị tổn thương nó sẽ chẳng bao giờ có thể lành lặn. Năm tháng qua đi tất cả cay đắng thậm chí cay nghiệt của ông bà nội, bố mẹ bảo anh em tôi quên đi để vui vẻ sống vì ông bà là cha sinh mẹ đẻ mới có chúng tôi. Tôi đã từng rất ghét và rất hận nhưng những năm tháng xa nhà với cuộc sống bon chen, cô đơn nơi đất khách đã dạy tôi phải trân trọng tình thân, học cách tha thứ, người với người sống vì một chữ tâm, vì tấm lòng huống chi là máu mủ ruột rà.

“Quê hương là gì hả mẹ?

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hả mẹ?

Ai đi xa cũng nhớ nhiều”

Giọng đọc trong veo của cô bé tóc đuôi gà gieo vào lòng tôi những thanh âm ngân nga, dìu dặt của hai tiếng quê hương sao mà trìu mến, thân thương đến kì lạ. Hai tiếng quê hương tự hào xiết bao, hai tiếng mà đôi khi trên dòng đời hối hả ta vô tình bỏ quên, chỉ khi điều gì đó vô tình chạm vào mới bất giác giật mình vì bao lâu rồi chưa về thăm quê, để mỗi lần trở về không phải thẫn thờ vì sự đổi thay của hôm nay, không phải nói câu: “Quê mình khác quá không nhận ra được nữa”.

Tôi đã đi qua, đã có cơ hội được sống ở bao mảnh đất, bao miền quê khác nhau, nhưng tôi càng thấm thía câu nói đơn thuần của một người bạn sống xa quê hương, xa Việt Nam rằng: Không đâu bằng nhà, dù có đi mọi ngả đường phiêu bạt, trái tim sẽ dẫn lối cho ta về với nơi sinh ra ta, về với tuổi thơ ngọt ngào, dịu êm. Đứng trên mảnh đất quê hương, trái tim luôn thổn thức và có những nhịp đập an yên, gieo vui khác lạ. Tôi đặt tay lên tim mình, thình thịch, thình thịch, tôi nghe tim mình đang hát.

Chúng tôi, những đứa con bé bỏng của bố mẹ, mỗi người nay đã có cuộc sống riêng, có thể tự lo cho bản thân, bố mẹ tôi đã làm được những điều kì diệu bằng tấm thân gầy, sự hi sinh lớn lao và những người bố người mẹ trên đời này đều là những người tuyệt vời, làm nên những điều kì diệu bằng cả cuộc đời hao mòn. Anh tôi sau bao năm tháng bôn ba lận đận, ăn gửi nằm nhờ xứ người, lang bạt kiếm sống cuối cùng cũng có bến đỗ. Tôi mừng cho anh và thấy mình hạnh phúc, gia đình tôi trải qua bao thiếu thốn, vất vả, cùng nhau chịu đựng đắng cay đã được đền đáp ngọt bùi, dù không phải giàu sang, nhà cao cửa rộng nhưng tình nghĩa và ân tình mẹ cha đã cho chúng tôi sức mạnh đi qua giông bão cuộc đời. Gia đình là nơi náu bình yên nhất, là nơi mỗi thành viên luôn yêu thương đùm bọc, chở che nhau, san sẻ những buồn vui cuộc sống, yêu thương ta vô điều kiện.

Đứng nơi triền đê cao như thu hết cảnh vật quê hương vào tầm mắt, vào tận sâu trái tim mình, tôi cảm nhận một bức tranh quê hương tuyệt đẹp, bình yên, mộc mạc và nên thơ. Có lẽ trong lòng mỗi người sẽ vẽ nên một bức tranh quê hương, gia đình riêng với những gam màu khác nhau nhưng sẽ luôn đầy ắp yêu thương và hạnh phúc. Tôi cũng vẽ trong lòng mình một bức tranh – bức tranh không màu về một tuổi thơ dữ dội đẹp như mơ, về một gia đình cùng nhau đi qua những tháng ngày nghèo khó luôn tràn đầy yêu thương, bao bọc và chở che. Ở đó có sự hi sinh thầm lặng của cha mẹ, sự gắn bó của tình anh em, có tiếng cười và nước mắt ngọt bùi của hạnh phúc và trên hết là tấm lòng cha mẹ, một mái nhà cho con nương tựa suốt đời.

“Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai đó là hạnh phúc.”. Bạn và tôi có thể là những người hạnh phúc hơn rất nhiều người, hãy trân trọng những gì ta đang có và hãy trở về bên mẹ cha nhiều nhất có thể để vỡ òa và yêu thương vì đời này ta còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần nữa đây?